Tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền của Thành Tân Sở

Để xây dựng thành Tân Sở, triều đình đã huy động "hàng ngàn binh lính, tù phạm và dân phu ngày đêm đào hào, xây thành, đắp lũy. Vật liệu tại chỗ chủ yếu là gỗ, tre, mây...còn phần lớn được vận chuyển từ Huế ra để xây dựng, trong đó có gạch với kích thước lớn, khối lượng lớn để xây Thành Nội và một số kiến trúc ở bên trong Thành Nội. Đồng thời, phải khẩn hoang để tự chủ lương thực, dự trữ muối để phòng lúc bị vây, khai quặng sắt để rèn đúc công cụ và vũ khí. Ngoài ra, còn phải đưa vàng bạc, vũ khí từ Huế ra trước để dự phòng, mở đường thượng đạo để thông với kinh đô HuếQuảng Bình"...[11].

Nhà sử học Phạm Văn Sơn cho biết thêm chi tiết: "Trong hai năm, Tôn Thất Thuyết đã cho huy động tới 2.000 dân phu vào việc đào hầm, đắp lũy; và ba tháng trước ngày đánh úp Pháp ở Huế, ông đã bí mật cho các vật liệu, súng ống, thóc gạo, châu báu, bạc tiền đi Tân Sở. Khi Lemaire còn làm Tổng trú sứ ở Huế, nghe phong phanh Nam triều chở vũ khí và tiền bạc đi Tân Sở, ông có đến hỏi Phụ chính Nguyễn Văn Tường, nhưng ông Tường cố chối cãi. Sau, ông Tường thú nhận với Đặc phái viên De Champeaux rằng, từ đầu tháng 6 năm 1885, chỉ tính riêng số bạc nén cho đưa ra thành Tân Sở đã là 300.000 lượng!"...[12].

Picad Destelan trong sách An Nam và Bắc Kỳ (xuất bản tại Paris, 1892) cũng cho biết rằng: "Đã ba tháng nay (tức trong năm 1883), một ngàn đến mười lăm ngàn người làm việc trong thành Cam Lộ, không những xây để phòng thủ, mà còn là nơi để thành Hoàng cung, (và) sẽ là Kinh đô thứ hai" [13].